Sau khi đã chuẩn bị hoàn tất và các đầu nối được kiểm tra ít nhất 2 lần, lúc này bạn có thể sẵn sàng bật máy hàn TIG . Không có một quy trình chuẩn nào cho việc bật thiết bị, mở các van khí, tuy nhiên có 1 quỹ đạo chung cho những thao tác này và nó phải thực hiện trước các bước khác khi tiến hành bật máy.
1.Bật thiết bị
Điều chỉnh máy hàn
Các điều chỉnh trên máy hàn TIG đối với từng model máy là khác nhau. Tuy nhiên, về nguyên tắc, bất kì máy hàn TIG nào cũng phải có 3 thông số sau đây được điều chỉnh: dòng điện hồ quang, lưu lượng khí bảo vệ, lưu lượng khí làm mát. Các thông số đó phải có khả năng điều chỉnh độc lập trên bảng điều khiển của máy hoặc bộ điều khiển từ xa. Nói chung những bước này phải được thực hiện trước khi bạn bật máy.
Các đầu nối
Trong hàn TIG có nhiều mối nối giữa thiết bị cung cấp, máy hàn, mỏ hàn. Có một số quy tắc chung khi nối thiết bị hàn TIG, như sau:
- Van giảm áp và lưu lượng kế đo khí bảo vệ được nối giống như nối van giảm áp trong hàn khí.
- Đảm bảo rằng máy đã tắt (tốt nhất là ngắt điện khỏi máy) và các van đã được đóng hoàn toàn mới tiến hành nối thiết bị.
- Tất cả mối nối điện đảm bảo phải sạch và kín.
- Tháo hết nước ra một nơi an toàn để nước không chảy ra sàn, máy.
- Cáp dẫn phải được bố trí vị trí an toàn tránh tia lửa hồ quang, không vướng đường của thợ hàn, tránh bị giẩm lên.
- Kiểm tra tất cả những bước trên ít nhất 2 lần.
Một số thao tác cơ bản
- Đặt mỏ hàn cách xa vật hàn để không gây ra hồ quang khi bật máy.
- Mở van nước làm mát.
- Mở từ từ van khí, tránh làm hỏng van giảm áp.
- Cầm mỏ hàn trên tay rồi bật máy.
- Khi máy đã bật, kiểm tra đường nước trở về để đảm bảo rằng nước làm mát đã chảy.
- Khi máy đã bật, kiểm tra luồng khí Argon bằng cách bật tắt van khí.
- Khi đã mở van khí, hãy điều chỉnh lưu lượng kế để có được lưu lượng như yêu cầu.
Khi đã hoàn thành những bước trên, lúc này đã có thể gây hồ quang và bắt đầu hàn. Tuy nhiên trước khi gây hồ quang, bạn nên kiểm tra khả năng tắt thiết bị một cách an toàn.
2.Tắt thiết bị
Sau khi hàn xong hoặc trong lúc đang kiểm tra lại khả năng tắt thiết bị, thợ hàn phải nắm rõ quy trình tắt máy hàn TIG. Để tắt thiết bị một cách an toàn, phải thực hiện đầy đủ những bước sau:
- Đầu tiên phải đặt mỏ hàn vào vị trí không thể gây hồ quang.
- Tiếp đó, dùng tay đóng chặt van khí bảo vệ trên chai khí.
- Mở van khí trên máy hàn hoặc bộ điều khiển từ xa, mục đích là xả hết lượng khí trong ống dẫn.
- Vẫn để van khí mở, tiếp tục bước sau.
- Ngắt nguồn nước làm mát.
- Mở van nước trên máy để cho nước thoát hết ra ngoài.
- Tắt máy hàn bằng việc ngắt nguồn hoặc tắt công tắc ở trên máy.
Khi thợ hàn đã nắm rõ quy trình bật và tắt thiết bị một cách an toàn, lúc này hoàn toàn có thể bắt đầu thực hành.
3. Hàn nhôm
Phương pháp hàn TIG chủ yếu dùng để hàn kim loại nhôm với chiều dày từ 0.8 – 3.2 mm, các chiều dày lớn hơn cũng hàn TIG được nhưng không kinh tế bằng những phương pháp hàn khác. Hàn TIG yêu cầu thợ hàn phải có một kĩ năng vững vàng và nắm được cách phối hợp cả 2 tay thật nhuần nhuyễn. Do đó trước hết bạn cần phải biết và học cách hàn nhôm, sau đó có thể chuyển sang các kim loại khác một cách dễ dàng.
Nguồn điện máy hàn
Nên chọn dùng máy hàn AC để đạt kết quả tốt nhất vì hồ quang xoay chiều có tác dụng loại bỏ lớp oxit bề mặt.
Điện cực
Khi hàn nhôm bạn nên dùng điện cực Zirconi – Vonfram loại tốt, loại này ít bị nhiễm bẩn hơn Vonfram tinh khiết và còn chịu được dòng điện cao hơn.
Mỏ hàn TIG
Nếu chỉ hàn với dòng điện thấp (<100A) thì chỉ cần sử dụng loại mỏ hàn làm mát bằng không khí. Khi dùng dòng lớn hơn (100A – 250A), phải sử dụng loại mỏ hàn làm mát bằng nước và có tay cầm đặc biệt.
Khí bảo vệ
Argon được xem là khí bảo vệ tốt nhất cho hàn nhôm. Nếu khí bảo vệ không đủ, bề mặt mối hàn ở các vùng không có khí bảo vệ sẽ bị không khí xâm nhập, bị chuyển sang màu đen. Vì thế thợ hàn phải luôn đối chiếu lưu lượng khí thực. Để tránh việc bị oxy hoá đầu điện cực đang có nhiệt độ cao, sau khi hồ quang đã tắt, bạn vẫn phải duy trì dòng khí trong một khoảng thời gian đủ để điện cực nguội, khí bảo vệ thoát ra sau khi đã ngắt hồ quang được gọi là dòng phụ.
Làm sạch
Để có thể tạo được mối hàn không bị lẫn oxit, thợ hàn phải làm sạch bề mặt nhôm trước khi gây hồ quang. Việc này có thể được thực hiện một cách dễ dàng với một chiếc bàn trải bằng thép không gỉ hoặc có thể dùng dung dịch sút để ăn mòn bề mặt chi tiết, đây chính là quy trình làm sạch tốt nhất.
Hàn đính
Với các mối hàn lắp ghép không tốt sẽ không thể có được mối hàn chất lượng cao. Vì thế trước khi hàn, tốt nhất là đặt các tấm nhôm cách nhau 1 khoảng rồi tiến hành hàn đính một vài điểm để tránh bị biến dạng khi hàn đính, phải đảm bảo là các cạnh vẫn giữ song song với nhau, điều đó giúp cho mối hàn ngấu tốt.
Tư thế hàn và khe hở
Với tất cả các loại vật liệu, tốt nhất là ở tư thế hàn xấp. Hàn ở tư thế hàn xấp giúp làm tăng tốc độ cũng như chất lượng mối hàn và giảm giá thành.
Đệm lót
Trong quá trình sử dụng máy hàn TIG, có thể phải lập chi tiết và hàn mặt sau của mối hàn. Khi đó chân mối hàn ở mặt sau phải được quét ra (soi) trước khi hàn mặt sau, quá trình này còn gọi là soi lưng và thường thực hiện bằng búa và đục.
Đồ gá
Nếu chỉ riêng hàn đính thì không đủ giữ các chi tiết, khi đó phải dùng đồ gá với các chi tiết nhỏ. Có thể sử dụng một số bộ kẹp, với những chi tiết lớn có thể phải dùng các đồ gá đặc biệt chế tạo từ mảnh vật liệu nhỏ để tiết kiệm thời gian. Tương tự trong sản xuất khi cần tạo ra mối nối có độ chính xác cao, đồ gá sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều.
Để đảm bảo cho quá trình hàn an toàn và chất lượng hàn tốt nhất, người thợ hàn cần được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ như: Găng tay, mũ bảo vệ, áo dài tay, mặt nạ, kính… Trên đây là những thao tác cơ bản để hàn TIG chuẩn kỹ thuật và đảm bảo tính an toàn khi sử dụng. Nắm rõ những lưu ý trên và đưa vào quá trình hàn sẽ mang lại cho thợ hàn tính chuyên nghiệp, có kỹ thuật trong công việc.